Các khái niệm này khác nhau tùy vào công ty và góc nhìn của người đánh giá.một bạn tester đang tìm việc wrote:Cho em hỏi, Fresher tester và Junior tester có giống nhau không anh?
Có phải một năm kinh nghiệm làm việc trở lên thì gọi là "Junior" và dưới một năm thì gọi là Fresher phải không ạh?
Trước khi đi vào chi tiết, mình muốn nhấn mạnh rằng việc "gọi"/đánh giá/tự đánh giá một tester nào đó là fresher, junior hay senior là không tuyệt đối giống nhau. Ví dụ, một bạn Tester đang là Senior Tester trong công ty A, nhưng với kỹ năng và mức kinh nghiệm đó có thể chỉ đạt mức Junior Tester đối với công ty B. Các khái niệm này cũng là chức danh (job title) trong công việc và đôi khi nó cũng thể hiện trên hợp đồng lao động.
Phân biệt các mức kinh nghiệm khác nhau của một Tester
Fresher Tester, Junior hay Senior Tester là chỉ "mức độ kinh nghiệm" và kỹ năng cần thiết (cơ bản) của một vị trí tester hoặc của một bạn tester nào đó. Khi công ty có nhu cầu tuyển dụng tester, họ phải xác định mức độ kinh nghiêm và những kỹ năng cần thiết cho vị trí đó để các ứng viên nộp hồ sơ cho phù hợp. Tránh trường hợp người không có kinh nghiệm ứng tuyển vào vị trí cần kinh nghiệm và ngược lại.
Thậm chí trong một công ty, một mức trên lại được chia làm ba mức khác nhau, ví dụ Junior 1, Junior 2 và Junior 3. Khi bạn qua hết 3 mức này thì mới được "lên level" cao hơn là Senior Tester. Tương tự như vậ, trong đó lại có ba mức Senior 1, Senior 2 và Senior 3. Mục đích này là để chia và sắp xếp mức lương tương ứng. Do đó, có thể hai bạn "Fresher Tester" trong cùng một công ty chưa chắc có khả năng làm việc và mức lương giống nhau.
Fresher Tester
Đối với vị trí này, hầu hết đều là không "yêu cầu" kinh nghiệm. Ở Việt Nam, từ "fresher" thường dùng để chỉ một người mới vào nghề, nhiều công ty nước ngoài còn sử dụng từ chính xác là "newbie" (người không có kinh nghiệm về một công việc cụ thể nào đó).
Tùy vào yêu cầu công việc cụ thể của dự án, và quan điểm của mỗi công ty mà yêu cầu cho vị trí Fresher Tester cũng khác nhau. Có công ty chấp nhận các bạn học trái ngành (không học chuyên ngành công nghệ thông tin - CNTT/phát triển phần mềm) cho công việc tester. Nhưng có công ty thì không. Họ cần tester phải là đã tốt nghiệp chuyên ngành CNTT và phải biết lập trình cơ bản, để có thể đào tạo theo hướng tester làm kiểm thử tự động - test automation. Vậy con đường nào cho các bạn tester học trái ngành?
Nhìn chung, các vị trí này thường có yêu cầu tối thiểu là có khái niệm cơ bản về kiểm thử phần mềm và hiểu về công việc mà mình sẽ đảm nhiệm. Là một Fresher Tester, bạn cần phải hiểu về qui trình phát triển phần mềm, các giai đoạn và công việc tương ứng trong qui trình đó; các kỹ thuật thiết kế test case; khái niệm một phần mềm chất lượng là như thế nào; tại sao cần phải kiểm thử phần mềm; kỹ năng phân tích yêu cầu và đặt câu hỏi liên quan; và cùng nhiều kỹ năng khác. Tham khảo nội dung lớp Fresher Tester tại TESTING VN để thấy được danh sách các kiến thức và kỹ năng cơ bản cần phải có của một bạn muốn làm tester.
Tìm hiểu thêm hướng dẫn tự học tester ở đây.
Junior Tester
Tương tự và bao gồm những kiến thức, kỹ năng cơ bản của Fresher tester, vị trí Junior Tester (người có ít kinh nghiệm) cũng có thể khác nhau tùy vào quan điểm của mỗi công ty và theo dự án khác nhau. Cũng có nhiều mức nhỏ bên trong nó. Yêu cầu cơ bản của vị trí này thường là tester phải hiểu về qui trình phát triển phần mềm; khái niệm, tư duy và các kỹ thuật kiểm thử phần mềm cơ bản; có khả năng phân tích yêu cầu và đánh giá chất lượng tài liệu và phát hiện các thiếu sót của chúng; và v.v...
Nhìn chung, các bạn Junior Tester phải biết tự xử lý công việc và có khả năng tư duy nghĩ thêm nhiều test case phức tạp hơn, chứ không phải chỉ biết thực hiện kiểm thử theo một danh sách các test case có sẵn. Khi dự án không có yêu cầu cụ thể rõ ràng (không có tài liệu mô tả hệ thống), các bạn Junior tester cũng phải biết cách tìm hiểu hệ thống và làm việc với các vị trí khác trong dự án như Team Lead, PM, hoặc Khách hàng để biết "như thế nào là đúng"
Khi phát hiện lỗi trong lúc phân tích tài liệu hoặc kiểm thử phần mềm, một Junior Tester sẽ tự tin biết mình phải làm gì. Và khi gặp vấn đề khó khăn liên quan đến công việc, dự án, hoặc các vấn đề liên quan đến kỹ năng mềm như xung đột với thành viên khác trong nhóm thì bạn ấy sẽ biết nên xử lý thế nào là phù hợp và hợp lý.
Senior Tester
Tương tự và bao gồm những kiến thức, kỹ năng cơ bản của Junior Tester, vị trí Senior Tester cũng có thể khác nhau trong mỗi dự án và ở các công ty khác nhau. Nhưng nhìn chung thì đã là "Senior" (người có kinh nghiệm) thì phải hiểu rõ và có kinh nghiệm liên quan đến công việc hiện tại của mình. Mức độ kinh nghiệm còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau như thâm niên và khả năng ghi nhớ cũng như sự đầu tư phù hợp vào công việc của mình.
Cũng là "kiểm thử phần mềm" nhưng một Senior Tester trong lĩnh vực game testing có thể chỉ là một Junior Tester trong lĩnh vực web application testing (kiểm thử các hệ thống/ứng dụng chạy trên nền web) và ngược lại. Một Senior Tester nếu chuyển sang làm lập trình viên, có thể họ chỉ là một Fresher Developer.
Tóm lại
Các chức danh như Fresher, Junior và Senior là dùng để chỉ mức độ kiến thức và kinh nghiệm về một công việc cụ thể nào đó. Nó có thể được nhìn nhận và đánh giá khác nhau tùy vào quan điểm, yêu cầu và kỹ năng liên quan đến công việc hay dự án cụ thể. Thậm chí, đôi khi để tăng lương cho một vị trí nào đó trong công ty, bản thân ứng viên không "lên level" nhưng quá thâm niên, (hoặc vì lý do nào đó) vẫn được công ty cho lên level cao hơn để có thể trả mức lương tương ứng để giữ người hoặc để tạo động lực làm việc cho họ học tập, phát huy khả năng cũng như phát triển bản thân.